Trước tình hình dịch Covid-19 có những diễn biến nghiêm trọng tại Indonesia, với hơn 4500 người nhiễm bệnh và khoảng 400 người tử vong, Tổng thống Joko Widodo đã ban bố lệnh phong tỏa trên khắp cả nước, khuyến khích người dân tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội và giữ gìn vệ sinh tốt để chống lây nhiễm virus Corona.
Tuy nhiên không phải lúc nào người dân cũng tự nguyện chấp hành các quy định đề ra, và nhiều nơi, ví dụ như làng Kepuh ở trên đảo Java, đội dân phòng đã phải quấn vải trắng lên người, làm một "pocong" (nghĩa là thây ma) để dọa cho dân chúng sợ hãi mà ở yên trong nhà.
Đội dân phòng ở làng Kepuh phải cải trang thành thây ma ngồi gác ở cổng làng để dọa dân chúng, buộc họ phải ở trong nhà.
Các nhà nghiên cứu tại Đại học Indonesia ước tính nếu không có các biện pháo mạnh tay thì đến cuối tháng 5, con số người nhiễm bệnh và tử vong có thể sẽ lên tới lần lượt là 1,5 triệu và 140.000 người.
Biện pháp này đã tỏ ra khá hữu hiệu. Một người dân tên là Karno Supadmo cho biết, từ khi các "thây ma" xuất hiện, người dân, bao gồm cả người lớn và trẻ con đều sợ hãi và không còn dám ra khỏi nhà nữa. Người ta cũng không còn tụ tập trên phố sau những buổi cầu nguyện vào buổi tối.
Trong khi đó, với hơn 4800 ca nhiễm và khoảng 80 ca tử vong, biện pháp tương tự để chống dịch Covid-19 cũng được thực hiện ở Malaysia. Tại bang Terengganu, anh Muhammad Urabil Alias, 38 tuổi đã hóa trang thành một con ma râu dài để dọa hàng xóm không ra khỏi nhà trong thời kỳ phong tỏa.
Bức ảnh chụp một "con ma" áo trắng do anh Muhammad đóng giả ở Chukai, Malaysia nổi tiếng trên Facebook.
Bức ảnh anh Muhammad đứng trên nóc ô tô, được chụp bởi chính vợ anh, Norhayati Nayan, 39 tuổi đã trở nên viral trên Facebook.
Tuy nhiên, "con ma" chuyên khiến người khác phải sợ hãi này cuối cùng cũng có lúc sợ mất mật. Một hôm, khi ra mở cửa, anh Muhammad đã lạnh cả sống lưng khi thấy một đoàn cảnh sát có vũ trang và đeo khẩu trang tới tận nhà gặp anh ở Chukai.
Anh Muhammad nghĩ có lẽ mình đã gặp chuyện rắc rối gì đó với tấm ảnh đăng trên Facebook.
"Các sĩ quan cảnh sát của Sở cảnh sát Kemaman hỏi tôi có phải là người hóa trang thành ma để dọa cho các thanh thiếu niên sợ hãi mà ở yên trong nhà không", anh Muhammad kể lại.
Anh Muhammad được yêu cầu chụp cùng các sĩ quan cảnh sát ở bên ngoài nhà anh.
Tuy nhiên, hóa ra họ đến để cảm ơn anh Muhammad vì đã hỗ trợ cho công việc của họ. "Họ còn yêu cầu tôi mặc lại trang phục đó rồi ra bên ngoài chụp ảnh với họ", anh Muhammad vui vẻ cho biết.
Theo Mirror
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét